Nếu bạn đã sẵn sàng và không biết bắt đầu từ đâu, điều gì nên làm và không nên làm; nếu bạn là một người am hiểu các ngành kỹ thuật và thiết kế, chế tạo mà không biết thị trường sẽ sử dụng sản phẩm của mình hay không; nếu bạn đang “vò đầu” giải quyết những vấn đề nhức nhối và đang ấp ủ một dự tính táo bạo trong tương lai hay nếu bạn cho rằng khởi nghiệp là đồng nghĩa với rủi ro và người khởi nghiệp sẽ đương đầu với mạo hiểm…thì những bản thảo kế hoạch hoàn hảo sẽ giúp bạn hạn chế “tai nạn khởi nghiệp” và tự tin theo đuổi ước mơ mình đã chọn.
Ý tưởng phải vẽ rõ ràng trên giấy
Trong buổi nói chuyện với sinh viên trường Cao đẳng Công Nghiệp Thủ Đức, TPHCM, ông Nguyễn Cảnh Hiển – Tổng giám đốc công ty Microsun – Tenda Việt Nam chia sẻ: Một ý tưởng cần nhiều bản thảo, từ đó đúc kết thành 2 đến 3 kế hoạch để thực hiện phát triển sản phẩm. Nội dung bao gồm: tập trung vào thị trường cụ thể; đòi hỏi tầm nhìn tài chính, ưu tiên khả năng lập kế hoạch cho lưu lượng tiền mặt và nhu cầu vốn.
Bước thứ nhất: tập trung vào thị trường
Theo số liệu ông Hiền cung cấp, gần 90% doanh nghiệp khởi nghiệp thất bại do xác định khách hàng sai, một sản phẩm được sản xuất chỉ phù hợp với 1 bộ phận khách hàng (khách hàng tiềm năng). Mặt khác, doanh nghiệp khởi nghiệp (DNKN) phải phân biệt rạch ròi 2 khái niệm khách hàng và đối tác để lập kế hoạch không bị lạc hướng, khách hàng được hiểu là người trực tiếp trả tiền và tạo doanh thu cho DNKN, còn đối tác là cá nhân hoặc tổ chức sẽ tương tác với sản phẩm đó. Ví dụ, các App chương trình về tổng hợp nhà dân cho thuê tại các địa điểm du lịch, khách hàng là nhà dân mong muốn cho thuê và đối tác là những người muốn thuê.
Đôi khi sự lầm tưởng tai hại của DNKN là sự ỷ lại, nếu doanh nghiệp không xác định thị trường ngay từ đầu, nó sẽ tạo ra thị trường cho đối thủ cạnh tranh. Kịch bản thường thấy là, sau một thời gian buôn bán trên thị trường thì các sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp được giới thiệu trước đó bị “một số người sẽ lấy nó đi”, hoặc một kịch bản cũng rất phổ biến là, các doanh nghiệp tiến hành bán sản phẩm cho những khách hàng mà DNKN chưa từng nghe qua và chỉ trong tích tắc, họ đã nắm trong tay toàn bộ thị trường. Khi khởi nghiệp, xác định khách hàng để trả lời một chân lý cơ bản của marketting: doanh nghiệp không được trả tiền để dạy dỗ khách hàng. Chúng được trả tiền để thỏa mãn khách hàng.
Cũng theo ông Hiền, muốn thỏa mãn khách hàng thì bạn phải trả lời 3 câu hỏi: Sản phẩm, dịch vụ của bạn có đối thủ cạnh tranh không?; họ đã có thành công trên lĩnh vực này chưa?; doanh nghiệp bằng cách nào để có thể cạnh tranh với đối thủ? Một số trường hợp, sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp có hướng tiếp cận thị trường mới thì phải xác định được các rủi ro và tìm cách hạn chế các rủi ro đó.
Thiếu tập trung vào thị trường chính là căn bệnh “ung thư” của DNKN. Nó là tai họa nghiêm trọng nhất mà doanh nghiệp cần vượt qua. Thực tế, đã có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp bị giết chết, hoặc trường hợp tốt nhất là gây nên tổn thương vĩnh viễn.
Bước thứ 2: tầm nhìn tài chính
Nắm chắc bước một, DNKN sẽ thực hiện các hoạt động để giải quyết mối đe dọa hàng đầu là tầm nhìn tài chính hạn hẹp và chính sách tài chính thiếu đứng đắn, bao gồm: (1) thiếu tiền mặt; (2) không thể mở rộng số vốn cần thiết để mở rộng; (3) mất khả năng kiểm soát, từ đó phát sinh nhiều chi phí khác nhau như vật liệu, kho bãi…Theo một số nhận định, một trong 3 điều này xảy ra với DNKN cũng khiến cho doanh nghiệp “lao đao” hoặc bị chết ngay từ đầu, nhưng thực tế cả 3 điều này thường xảy ra cùng một thời điểm.
Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc Bách Khoa Computer, cho biết: để giải quyết tất cả những nhập nhằng tài chính, thì kế hoạch càng rõ ràng, liệt kê đầy đủ các khoản chi cần thiết thì có thể loại trừ sự hỗn loạn, và tạo ra ổn định. Phải bắt đầu từ am hiểu tài chính và tình hình vốn của DNKN hiện tại, biết sử dụng thị trường ngách để tạo lợi nhuận, từ đó tạo ra một hệ thống chuẩn (hay đòn bẩy) để tiếp cận khách hàng chuyên nghiệp nhất, và cuối cùng là xây dựng đội ngũ đồng bộ.
Quản lý tài chính tương đối dễ nếu DNKN dự báo đúng lượng tiền mặt lưu thông đúng, nó được hiểu là trong một số trường hợp xấu nhất thì đáng tin cậy. Nói rõ hơn, DNKN phải biết trước được trong 12 tháng tiếp theo nó cần bao nhiêu tiền, khi nào, và cho mục đích gì. Việc lên kế hoạch vốn là công việc mang tính sống còn, bản kế hoạch phải đề xuất được nhu cầu vốn tối đa chứ không phải nhu cầu vốn tối thiểu, vì vậy việc huy động vốn sẽ dễ dàng hơn.
Thành tố khác của kế hoạch
Trong bảng kế hoạch còn nhiều thành tố khác, mà doanh nghiệp cần xây dựng như: đội ngũ thực hiện và đồng hành, hệ thống hóa quy trình, các yêu cầu mà công việc dự án cần giải quyết bao gồm: báo cáo, phần mềm sử dụng, máy móc hỗ trợ…, lập bảng kê các vấn đề mà kế hoạch cần giải quyết, bảng kê về nhiệm vụ của dự án, lập bảng hệ thống kiểm soát, tiêu chí đầu ra và đặt timeline cụ thể. Nói gọn lại, một kế hoạch hoàn chỉnh là giải quyết nhiều dự án khác nhau dựa trên ý tưởng của DNKN, nó tập trung và chiến lược (định hướng hoạt động), chiến thuật (cách tiếp cận khách hàng), hậu cần (ai sẽ làm, chi phí bao nhiêu, chất lượng đạt đến mức nào, khi nào hoàn thành?)
Ông Nguyễn Thanh Tùng nhắn gửi đến các bạn sinh viên câu nói của Abraham Lincoln: “cho tôi 6 giờ để đốn một cái cây, tôi sẽ dành 4 giờ để mài chiếc rìu”. DNKN thành công, là dành nhiều thời gian để hiểu khách hàng của mình, hiểu sản phẩm và nghe nhiều hơn các phản hồi để điều chỉnh chiến lược phù hợp, đối tượng hướng sẽ hiểu được thị trường ngách, tầm nhìn tài chính sẽ xác định được lượng tiền chạy trong 1 năm. Khi mọi thứ DNKN nắm thật rõ ràng thì sự tin tin sẽ thể hiện ở bản lĩnh lãnh đạo.